Dinh dưỡng - Sức khỏe


Tư vấn về vấn đề về suy dinh dưỡng và còi xương của trẻ




(Dân trí) - Các chuyên gia dinh dưỡng PGS. TS Trần Đình Toán, BS Lê Thị Giáng Hương, ThS Đỗ Hữu Hanh đang sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của độc giả về vấn đề suy dinh dưỡng và còi xương ở trẻ.
Hỏi:
Chào bác sỹ, Bé trai nhà em sinh tháng 4/2010, lúc sinh ra bé được 3,6kg. Năm bé tròn 1 tuổi, bé chỉ thích ăn cơm nên em đã chuyển cho bé ăn cơm từ thời điểm đó. Hiện tại, bé được 30 tháng, nhưng có 11,5kg, cao 90cm. Bé ăn rất tốt (1 ngày 3 bữa, 2 bữa cơm, 1 bữa cháo hoặc bún, phở), uống sữa nhiều (khoảng 600-800ml/ ngày), em cũng thỉnh thoảng bổ sung các vitamin cho bé như: vitamin tổng hợp. Ngày nào bé cũng đi vệ sinh, không bị táo bón. Bé không hay ốm vặt, thỉnh thoảng ho hắng khi thời tiết thay đổi. Nhưng mãi mà bé không tăng cân, mà so bảng tăng trưởng thì số cân của bé là bị suy dinh dưỡng. Có phải bé nhà em bị về đường tiêu hóa nên không hấp thụ được không ạ?


BS Lê Thị Giáng Hương – Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Theo chuẩn, con trai 30 tháng phải nặng 13,3kg và cao 91,9cm, về cân nặng và chiều cao là bé vẫn còn thiếu tuy nhiên như vậy vẫn chưa bị suy dinh dưỡng. Đối với thể trạng của bé hiện nay, mỗi ngày cần ăn 1 lạng đến 1,2 lạng thịt (cá, tôm, cua), 20g rau xanh, thìa dầu ăn. Sữa như vậy là đã đủ.


 Hỏi:
Bé gái của em nay được 16 tháng tuổi, cân nặng 13kg nhưng từ khi bé được 6 tháng mỗi tháng bé chỉ ăn cháo được 3 ngày sau đó dứt khoát không ăn mà chỉ chịu uống sữa. Em làm sao để biết bé có thiếu vitamin không và cách nào để tập cho bé ăn.

Th.S Đỗ Hữu Hanh – Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Chào bạn! Con gái bạn với lứa tuổi này tăng cân như vậy là rất tốt nhưng cháu không chịu ăn cháo như vậy cháu sẽ bị thiếu nhiều vi chất cần thiết để phát triển điển hình như sắt… Để biết cháu thiếu những vitamin gì thì bạn nên cho cháu đi khám tư vấn dinh dưỡng để bác sỹ kiểm tra toàn diện cho cháu và bổ sung vi chất 1 cách hợp l‎‎ý nhất.
Hỏi:
Con gái em 15 tháng tuổi nặng 10kg cháu lên được 5 chiếc răng, cho cháu ăn cháo nhưng cháu không chịu ăn, cho ăn bột có cả rau và thịt say nhuyển thì ăn, nhưng ăn gần 1 bát ngày 3 lần, ngày cháu uống 500 sữa và ăn 1 hộp váng sửa, cháu hay ra mồ hôi khi ngủ. Hay bị táo bón xin hỏi bác sỹ làm cách nào để cháu hết táo bón và thích ăn cháo.

Th.S Đỗ Hữu Hanh – Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Chào bạn! Con bạn 15 tháng mà cân nặng như vậy là bình thường nhưng cháu mọc răng muộn, hay ra mồ hôi trộm nên có thể cháu đang bị còi xương. Nếu cháu thích ăn bột vẫn có thể cho cháu ăn bột và cho thêm đầy đủ thịt, rau, dầu mỡ vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng cho cháu.
Hỏi:
Thưa bá Bác sỹ, con em 1 tuổi nặng 9kg. Mong bác sỹ tư vấn giúp chế độ dinh dưỡng cho bé 1 tuổi như thế nào là hợp lý?

BS Lê Thị Giáng Hương – Phòng khám Dinh dưỡng – 70 Nguyễn Chí Thanh:

Tôi không rõ bé nhà mình là trai hay gái. Trẻ 1 tuổi trung bình nặng 9,5kg. Một ngày cần ăn đủ 3 bữa sữa và 3 bữa cháo. Một bát cháo gồm: 30g thịt (đầy 1 thìa ăn phở), 15g rau (đầy 1 thìa ăn phở), 5ml dầu (1 thìa cà phê) và tổng 3 bữa sữa khoảng 500 - 600ml. Ngoài ra cần bổ sung bữa phụ cho trẻ như: hoa quả, váng sữa, sữa chua, fomat.

Hỏi:

Thưa bác sỹ, bé nhà tôi 9 tháng tuổi, nặng 7,6kg, cao 70,5cm. Bé kém ăn, hay nôn trớ, ngày ăn 3 lần cháo xay (lần ~2/3 bát), không thích uống sữa ngoài. Ngày bé bú mẹ 3 lần, đêm bú rất ít. Xin bác sỹ tư vấn giúp bé uống nhiều sữa hơn. Cảm ơn bác sỹ!

PGS, TS Trần Đình Toán – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị:

Cân nặng và chiều cao của bé thấp hơn mức trung bình của bé trai. Nếu là bé gái thì cân nặng thấp hơn mức trung bình và chiều cao ở mức trung bình. Do vậy, chế độ ăn để tăng cân hơn nữa thì cần ăn them cả sữa và cháo. Nếu muốn uống sữa nhiều hơn thì cần pha sữa đặc hơn, hạn chế uống các loại nước khác như nước quả, nước “trắng” để bé có chỗ chứa sữa nhiều hơn trong dạ dày. Nếu bé lười ăn, cần cho uống thêm các vitamin và men tiêu hoá (giúp ăn ngon miệng hơn).

HỎI:

Thưa bác sỹ. Bé nhà em bé trai, lúc sinh nặng 2,9kg. Bây giờ 21 tháng nặng 11,5 kg. Chiều cao 84 cm. Bé mọc 16 cái răng, đi từ lúc 13 tháng. Đã nói 7 từ 1 câu. Bé ăn ngày 3 bữa cháo đặc, 340 ml sữa và sữa chua váng sữa.
Th.S Đỗ Hữu Hanh – Phòng khám Dinh dưỡng – 70 Nguyễn Chí Thanh:

Tôi chưa hiểu bạn muốn hỏi gì nhưng về cân nặng của cháu là tương đối tốt. Bữa ăn của cháu chưa nói rõ thành phần nhưng về số lượng tương đối là đủ,bạn nên cho cháu ăn thêm rau xanh và hoa quả thêm nữa.
HỎI:

Gửi các bác sĩ: tôi có một câu hỏi mong các bác sĩ giải đáp. Bé nhà tôi vừa tròn 1 tuổi. nặng 8,5kg và cao 68cm. Từ khi tập ăn dặm cháu đã rất lười ăn, khi đó 3 tháng cháu không tăng cân chút nào, tôi rất lo lắng và đã ép cháu ăn. Cháu cứ khóc mới nuốt. Đến bây giờ cháu ăn nhưng cứ ợ lên rồi mới nuốt (như sắp nôn). Hôm vừa rồi cháu trớ ra thức ăn có hai cục màu nâu đỏ nhưng trước đó tôi không cho cháu ăn thức ăn gì có màu như vậy. Tôi rất lo lắng cho cháu đi khám ở viện nhi nhưng bác sĩ siêu âm dạ dày không có vấn đề gì, và nhắc là theo dõi tiếp. Vậy tôi có 2 câu hỏi: thứ nhất, tôi nghĩ do ngày trước tôi ép cháu ăn nên mới có thói quen ợ lên rồi mới nuốt, vậy tôi phải làm sao để cháu ăn như bình thường, thứ hai cháu nhà tôi thấp hơn so với chuẩn rất nhiều, vậy tôi phải bổ sung canxi như thế nào cho cháu (cháu rất hay ho nên tôi không cho cháu ăn tôm hay cua được). Kính mong các bác sĩ trả lời giúp tôi, tôi rất lo lắng cho cháu. Chân thành cảm ơn các bác sĩ nhiều!

PGS, TS Trần Đình Toán – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị:

Cân nặng con bạn ở khoảng giữa trung bình và suy dinh dưỡng, chiều cao thấp hơn mức suy dinh dưỡng (bé trai suy dinh dưỡng thì chiều cao < 71cm, bé gái < 68,9cm). Muốn cho cháu hết ợ khi nuốt thức ăn cần không cho cháu nuốt không khí lẫn vào khi nuốt thức ăn, hạn chế những thức ăn sinh hơi nhiều. Khi ăn, không mặc quần, quấn tã/ khăn vào bụng cháu chặt quá, các tư thế bế đừng gập bụng cháu bé nhiều. Do chiều cao của cháu thấp dưới mức trung bình, muốn tăng không chỉ dùng thêm canxi mà phải thêm cả vitamin D và chất đạm và tổng năng lượng ăn vào.

HỎI:
Thưa bác sỹ! Cháu 5 tuổi biếng ăn phải làm sao ạ?

BS Lê Thị Giáng Hương – Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Đối với trẻ 5 tuổi, mẹ phải thảo luận với con về thực đơn ăn uống vì lúc này trẻ đã có sự nhận biết. Mẹ phải đưa thực đơn ra cho con lựa chọn, ví dụ: Con thích ăn thịt luộc hay thịt rán? Con thích ăn thịt gà hay thịt bò?... Trẻ sẽ có cảm giác mình được mẹ tôn trọng và được chọn những thức ăn mà mình yêu thích như vậy sẽ tạo được cảm giác thích thú cho trẻ khi ăn. Tuy nhiên, những thực đơn đưa ra cho bé lựa chọn phải nằm trong sự kiểm soát của mẹ và đảm bảo dinh dưỡng. Trong quá trình ăn, nên giải thích cho em tác dụng của từng loại thức ăn để bé nhận biết được đâu là thực phẩm tốt và đâu là thực phẩm không tốt.

HỎI:
Con trai cháu được 5 tháng, nặng 7kg, cao 68cm. Cháu đã ăn dặm được một tháng, ngày bé đi vệ sinh một lần và thỉnh thoảng có hình khuôn. Như vậy đường tiêu hóa của bé có vấn đề gì không ạ ? Bé có bị còi xương không thưa bác sỹ!
PGS. TS Trần Đình Toán - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị:
Cả chiều cao và cân nặng của con bạn đều ở dưới mức trung bình theo chuẩn. Tuy chưa tới mức còi xương, suy dinh dưỡng. Đường tiêu hoá không có vấn đề gì. Cần cho bé ăn tăng cả sữa và thức ăn dặm. Muốn bé ăn được nhiều hơn có thể dung thêm men tiêu hoá và các vitamin nhằm kích thích ăn ngon miệng và hấp thu thức ăn được tốt hơn.

HỎI:

Thưa bác sỹ! Con trai em được 3 tuổi tròn, cháu ăn tốt, ngủ tốt nhưng mới được 12kg và 86cm. Vậy bác sỹ cho hỏi tôi phải làm thế nào để cháu phát triển tốt? Xin chân thành cảm ơn bác sỹ!

Th.S Đỗ Hữu Hanh – Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Chào bạn! Hiện tại con bạn 36 tháng mà mới cao có 86cm như vậy cháu đang bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, và cũng thiếu 2,3kg so với chiều cao tiêu chuẩn của WHO vì vậy bạn nên đến Phòng khám Dinh dưỡng, tầng 1, tòa nhà 5 tầng, số 70 Nguyễn Chí Thanh để tôi có thể khám và giúp cháu phát triển tốt hơn.
HỎI:
Con tôi được 14 tháng, cháu nặng 9,5kg. Cháu ăn khá tốt nhưng tăng cân rất chậm và mới mọc được 5 cái răng. Hiện cháu vẫn chưa đi được vững. Tôi muốn hỏi con tôi có bị còi xương không?

BS Lê Thị Giáng Hương – Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Trẻ 14 tháng, con trai phải 10kg mới đạt chuẩn còn con giá là 9,4kg. Đứa trẻ 14 tháng phải 10 răng, cháu chưa đi vững chứng tỏ cháu đã có dấu hiệu còi xương. Để biết rõ hơn thì chị nên cho con đi khám tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa có uy tín trên địa bàn thành phố…

HỎI:
Xin hỏi các bác sĩ, nhà em mới sinh cháu được hơn 1 tháng. Cháu sinh nặng 2,7kg sau 1 tháng cháu lên được 1kg. Hiện tại cháu vẫn bú mẹ bình thường nhưng sang tháng thứ 2 này cháu khóc nhiều hơn. Mà khi bú xong cháu hay bị sặc và thi thoảng bị trớ. Cháu đang bôi thuốc Natri bạc vì cháu bị nhiễm trùng rốn. Tôi xin hỏi các bác sĩ là cháu nhà tôi có bị ảnh hưởng gì về suy dinh dưỡng và còi xương không? Rất chân thành cảm ơn các bác sĩ đã đọc thư này của tôi.

Th.S Đỗ Hữu Hanh – Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Chào bạn! Nếu cháu bị nhiễm trùng rốn bạn nên đến bệnh viện để kiêm tra mức độ nhiễm trùng cụ thể cho cháu, còn 1 tháng cháu tăng 1kg là bình thường. Nếu cháu có biểu hiện như ra mồ hôi trộm nhiều, trằn trọc khi ngủ, nôn trớ có đờm thì bạn phải đi khám cho cháu để có những chuẩn đoán và điều trị thích hợp.

HỎI:
Chào bác sỹ! Em bé của em mới tròn 1 tuổi, được có 6,5kg thôi. Mỗi ngày bé ăn sáng lúc 7h ăn một chén cháo đặc, 9h30 uống sữa, 11h30 ăn cháo, 13h00 uống nước cam, 14h00 ăn cháo, 16h00 uống sữa, 18h00 ăn cháo, 21h00 uống sữa. Lúc ngủ bé hay ra mồ hôi. Bé mọc được 3 răng rồi, bé chưa đi, chơi ngoan. Bác sỹ cho em hỏi, em bé của em có bị còi xương nặng không? Cần bổ sung những gì? Em đi khám ở viện Nhi thì họ nói bé không bị bệnh gì cả. Em lo lắm! Nhờ bác sĩ tư vấn giúp!


BS Lê Thị Giáng Hương – Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Bé 1 tuổi mà mới được 6,5kg là bé đã bị suy dinh dưỡng rồi. 1 tuổi bé phải mọc được 8 răng. Bởi vậy trẻ đã có dấu hiệu còi xương. Chị nên cho bé đến phòng khám tư vấn để được khám và tư vấn cụ thể cho trường hợp của bé nhà mình.

HỎI:
Con tôi được 20 tháng, cân nặng 12,8kg, cao 82cm, nhưng cháu mới mọc được 8 răng, còn răng hàm mới nhú 1 hoặc 2 cái. Xin hỏi cháu có suy dinh dưỡng và còi xương không, và mọc răng chậm thế có phải bệnh không hay ảnh hưởng gì đến sức khỏe không ạ?

PGS, TS Trần Đình Toán - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị:

Cả cân nặng và chiều cao của cháu đều cao hơn mức trung bình của bé trai cũng như bé gái. Mọc răng chậm cũng có thể do còi xương tuy rằng cân nặng của cháu trên mức trung bình. Có thể bổ sung thêm canxi và chất đạm (không cần bổ sung thêm dầu mỡ). Đây chưa phải là bệnh.

HỎI:
Bé nhà em được 11 tháng tuổi, bé nặng có 8kg, bé mới mọc có 2 cái răng, bé nhà em ăn sữa ngoài từ lúc mới sinh kèm theo sữa mẹ. Bé bú được 6 tháng thì dừng vì em đi làm xa từ sáng đến tối mới về nên bé bỏ bú mẹ. Hiện giờ hàng ngày em cho bé ăn 3 bữa cháo vào 8h sáng, 12 giờ trưa, và 8h tối. Bé ăn sữa lúc 10h sáng, 4h chiều và 9h tối. Tầm 3h chiều em cho bé ăn thêm hoa quả, hoặc váng sữa... Vậy mà bé vẫn tăng cân rất chậm. Thường thì mỗi lần ăn cháo bé ăn chỉ được 1 bát ăn cơm. Bác sĩ cho em lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho bé với ah! Bé nhà em 11 tháng mà chưa đứng được.

Th.S Đỗ Hữu Hanh - Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Cháu 11 tháng mà nặng chỉ được 8kg là tăng cân chậm, 11 tháng mà mới chỉ mọc 2 răng, chưa đứng được có thể cháu bị thiếu canxi. Bạn chưa nói rõ số lượng và thành phần của thức ăn, sữa của bé nên chưa biết được chế độ dinh dưỡng của bé đã đủ hay chưa.Vì vậy bạn nên đến khám để tôi có thể giúp cháu tăng cân tốt hơn.

HỎI:

Con tôi 22 tháng tuổi tôi cho cháu ngày ăn 2 bữa cháo mỗi bữa một bát con và 3 cữ sũa tổng khoảng được 700ml, ngoài ra ăn thêm 1 quả chuối, 1 hộp sữa chua. Nhưng cháu không hề lên cân mấy tháng nay. Đợt vừa rồi cháu bị rối loạn tiêu hóa đi phân sống. Liệu đây có phải là nguyên nhân không. Tôi đã cho cháu uống kẽm, canxi rồi. Hiện tại sức khỏe cháu bình thường.

PGS, TS Trần Đình Toán – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị:

rẻ không tăng cân thường là do: 1- mắc một bệnh cấp tính nào đó (sốt dịch, viêm đường hô hấp trên, đau mắt đỏ, mọc răng đau không ăn được, tiêu chảy do vi rút, vi khuẩn… hoặc do phản ứng của cơ thể sau tiêm chủng…); 2- rối loạn hấp thu do thay đổi món ăn, loại sữa, cách thức cho ăn. Uống bổ sung thêm canxi dưới dạng siro hoặc sữa cũng có thể gây tiêu chẩy, rối loạn hấp thu. Nên cho cháu uống thêm cả men tiêu hoá, các vitamin, nhất là nhóm B.


HỎI:
Con gái tôi 14 tháng tuổi, nặng 10kg, cao 72cm, cháu ko chịu ăn mặc dù tôi luôn đổi món cho cháu. Liệu cháu có bị còi xương không? Cháu ngủ hay giật mình và mới có 4 răng, có phải cháu thiếu canxi ko? Xin bác sỹ cho biết, tôi cảm ơn!

Th.S Đỗ Hữu Hanh – Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Trường hợp của bé bạn nên đến khám dinh dưỡng cho bé vì cân nặng của bé thì tốt nhưng thiếu chiều cao 4,4cm so với chuẩn và cháu cũng có thể bị còi xương vì ngủ hay giật mình và mọc răng chậm.

HỎI:
Chào Bác sĩ! Con tôi là bé gái 8 tháng nặng 7kg (mới sinh 3,5kg), cháu đã có 2 răng, biết bò và vịn để đứng, tóc cháu và móng tay nhanh dài. 1 tháng nay cháu không tăng cân. 1 ngày cháu ăn được gần 2 chén cháo chia 2 lần, uống 100ml sũa công thức, bú mẹ (chỉ bú khi ngủ) và 1/2 hộp váng sữa. Khi ngủ và bú cháu đổ nhiều mồ hôi đầu, lưng và tay chân. Cháu ngủ khó hay giật mình và ngủ ban ngày rất ít. Liệu cháu có bị còi xương không, tôi có cần cho cháu uống thuốc bổ hay bổ sung gì không? Cảm ơn BS!

Th.S Đỗ Hữu Hanh – Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Chào bạn! Con bạn đang có những dấu hiệu còi xương rất điển hình và tăng cân cũng đang chậm, con bạn đang nhẹ cân hơn so với quần thể tham khảo chuẩn mất 0,9kg. Do bạn không nói rõ số lượng và thành phần cháo của bé nên tôi chưa đánh giá được khẩu phần ăn của bé đã tốt chưa. Để bé phát triển tốt nhất bạn nên đến khám dinh dưỡng cho cháu để có hướng điều trị tốt nhất cho cháu.

HỎI:
Thưa bác sĩ, con em được 2 tuổi nhưng rất lười ăn và hay ho, sổ mũi. Cháu nặng 12kg. Trong vấn đề ăn uống em cũng rất lung túng vì không rõ thức ăn gì cung cấp đủ các loại vitamin. Cháu có bị còi xương không bác? Mong BS hãy tư vấn giúp em về chế độ dinh dưỡng của trẻ 2 tuổi.
PGS, TS Trần Đình Toán – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị:

Nếu là con trai 12kg là ở mức trung bình, nếu là con gái mức trung bình chỉ là 11.5kg. Không có loại thức ăn nào có thể cung cấp đầy đủ các loại vitamin được mà các vitamin tan trong dầu (A, D, K, E) chỉ có ở trong dầu (mỡ). Các vitamin tan trong nước (vitamin B1, B2, B6, B12, PP, C,…) có trong các loại rau, củ, quả, ngũ cốc… Nên cho cháu ăn đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm và sữa bổ sung.

HỎI:

Chào bác sỹ, con nhà cháu được 20 tháng, nặng 13,5kg và cao 82cm. Tuy nhiên cháu có một số biểu hiện của bệnh còi xương như trên đầu có hình vành khăn, men răng xấu. Cháu muốn hỏi giờ cháu muốn đưa con đi khám còi xương thì khám ở đâu, khi khám thì phải kiểm tra những gì? Xin bác sỹ tư vấn giúp! Cháu cảm ơn!

BS Lê Thị Giáng Hương – Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:
Trường hợp của bé nhà mình đã có dấu hiệu của còi xương. Chị nên đưa cháu đến Phòng khám Dinh dưỡng – tầng 1, tòa nhà 5 tầng số 70 Nguyễn Chí Thanh để được khám và tư vấn dinh dưỡng. Sau khi khám thì mới có thể kết luận chính xác bé đã bị còi xương hay chưa.

HỎI:
Bé nhà em 19 tháng, nặng 10kg, cao 79cm, bé có bị suy dinh dưỡng không ạ? Đến bây giờ bé vẫn ăn cháo nhuyễn, không thể ăn đặc hay ăn cơm vì mỗi lần như vậy bé lại nôn ói, bé không biết nhai. Em phải làm sao để bé tập nhai? Bé rất hay bị sổ mũi, ho có đờm và nôn ói.

PGS. TS Trần Đình Toán – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị:

Cân nặng và chiều cao của bé thấp hơn mức trung bình của bé gái, nhưng chưa tới mức suy dinh dưỡng (hay chỉ gọi là suy dinh dưỡng nhẹ thôi) nên tập nhai cho bé bằng cách cho ăn cháo đặc hơn, hay bị sổ mũi và ho có đờm cũng là một nguyên nhân gây nôn ói cần đi khám tai mũi họng và điều trị bang thuốc. Sau khi ăn nên cho bé tráng miệng bằng nước muối sinh lý (0,9%) để cho sạch miệng và ráo họng. nên nhỏ thuốc nhỏ mũi hàng ngày.

HỎI:
Tôi có con gái hơn 3 tuổi được 12kg cháu lười ăn mặc dù đã thay đổi khẩu vị ăn liên tục nhưng vẫn không thấy cháu ăn nhiều hơn, tôi thấy bất lực, mà tôi thỉnh thoảng bổ sung vitamin CEELIN cho cháu. Xin hỏi bác sĩ làm thế nào cho cháu thèm ăn và uống vitamin trong thời gian bao lâu là tốt nhất. Tôi xin cảm ơn bác sĩ!

BS Lê Thị Giáng Hương - Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Không rõ con nhà chị là bé trai hay gái, đối với con trai 3 tuổi phải đạt 14,3kg, con gái là 13,9. Do vậy bé nhà mình đang bị thiếu cân so với chuẩn tăng trưởng WHO. Chị nên chuyển cho con sang chế độ ăn cháo, mì, bánh đa… thì trẻ dễ ăn hơn và có thể bổ sung nhiều thực phẩm như: thịt, rau, dầu ăn, trứng, cá, tôm, cua…

Vitamin C có nhiều trong bưởi, cam, quýt, rau… Bởi vậy, hàng ngày chị nên bổ sung cho cháu các loại nước hoa quả và ăn trái cây. Đây là cách bổ sung vitamin tốt nhất.


HỎI:
Cho em hỏi con em nay 50 tháng nhưng bé chỉ nặng 15,5kg, chiều cao 102cm chế độ ăn của bé thay đổi rất đa dạng vậy mà hai năm nay bé không tăng cân và ra mồ hôi rất nhiều, bé rất hiếu động. Xin hỏi Bác sỹ vậy bé có bị suy dinh dưỡng không và phương pháp điều trị nào giúp bé phát triển tốt hơn. Xin cảm ơn!

Th.S Đỗ Hữu Hanh - Phòng khám Dinh dưỡng, 70 Nguyễn Chí Thanh:

Chào bạn! Bạn không nói rõ con bạn là trai hay gái nhưng dù là trai hay gái thì con bạn vẫn đang thiếu so với chuẩn tăng trưởng. Cháu có dấu hiệu ra mồ hôi nhiều và chậm tăng cân như vậy bạn lại không nói rõ khẩu phần ăn của cháu hàng ngày nên tôi chưa đánh giá hết được tình trạng của cháu bạn nên đến khám dinh dưỡng cho cháu để cháu có thể phát triển tốt hơn.













Tuổi nào bé bắt đầu uống được nước cam?


Hỏi;
Bé gái nhà tôi được 5 tháng tuổi. Ở tuổi này bé đã có thể uống nước cam được chưa ạ? Mong bác sĩ tư vấn. (Phương).
Trả lời:
Trong 6 tháng đầu, trẻ chỉ cần bú mẹ mà không phải ăn thêm bất kỳ thức ăn nào nếu mẹ đủ sữa. Từ 6 tháng, bạn mới nên cho bé ăn dặm trong đó bao gồm cả nước cam hay các loại hoa quả khác.
--> Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ như trẻ bị táo bón chẳng hạn thì 5 tháng cũng có thể cho uống nước cam hoặc các loại nước quả khác. Khi uống pha loãng ½, uống sau bữa ăn 30 phút, mỗi ngày uống 30-50ml. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải Giám đốc trung tâm khám - tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia



4 món cháo trị cảm thay kháng sinh


Cháo cà chua, sữa tươi có tác dụng trị cúm
.
Thời tiết giao mùa rất dễ khiến cho bé yêu của bạn bị cảm lạnh.
Thấy bé yêu bị cảm, người mệt mỏi và hay quấy khóc, mẹ nào cũng muốn cho con mình chóng khỏi bệnh. Nhưng cho bé uống nhiều thuốc liệu có phải là cách hay? Sau đây Eva xin mách với các mẹ một vài món cháo vừa có tác dụng trị được cảm lạnh, lại vừa bổ sung dinh dưỡng cho bé yêu.
Cháo gà
Cháo gà nóng là một trong những món ăn “cổ điển” từ xưa tới nay rất tốt cho các bệnh cảm lạnh và viêm họng không chỉ đối với người lớn mà còn có công dụng với cả trẻ nhỏ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, cháo gà có đặc tính kháng viêm, giảm sự di chuyển của bạch cầu trung tính – các thế bào miễn dịch kích thích sự phát triển của chất nhầy không có lợi.


Vì vậy nếu bé yêu của bạn đang bị ốm trong tiết trời lạnh giá, chẳng có lí do gì để bạn không nấu cho bé một bát cháo gà thật nóng, sức khỏe và bệnh viêm họng của bé sẽ được cải thiện đáng kể đấy.
Cháo lá tía tô
Tía tô là loại cây rau gia vị rất thông dụng ở nước ta, lá dùng để nấu canh hoặc ăn sống. Ngoài việc dùng để ăn, lá và hạt tía tô đều là những vị thuốc phổ biến trong Đông y. Lá tía tô vị cay, tính ấm có tác dụng giúp bé yêu của bạn hạ khí, tiêu đờm, chữa ho, sốt, thở gấp, ngực khó chịu. 
Trước tiên bạn hãy rửa thật sạch lá tía tô, cho một lượng nước vừa phải vào sắc. Đến khi nước cạn còn một nửa thì bỏ bã, lấy nước đó cho gạo đã vo vào, thêm nước và nấu thành cháo đặc.


1353376892 chao dinh duong duoc dung khi tre bi cam nau voi la tia to 4 món cháo trị cảm thay kháng sinh

Cháo tía tô giúp trẻ hạ sốt, trị ho, tiêu đờm (Hình minh họa)

Cháo táo đỏ, bí ngô
Đây là một loại cháo khá dễ chế biến và lại có tác dụng rất tốt, có thể trị cảm cho bé yêu của bạn.
Bạn lấy một quả bí ngô, táo đỏ khoảng 500g, đường đỏ 200g. Sau đó rửa sạch bí ngô, táo đỏ và bỏ vào nồi nấu cùng với đường đỏ, đổ nước vừa đủ để nấu thành cháo. Món cháo này dễ ăn, có tác dụng giúp bé yêu thanh phế, trừ ho hen, chống dị ứng và có thể trị ho lâu ngày ở trẻ. Với món cháo này mỗi ngày bạn cho bé ăn 1 bát nhé.

1353377025 chao tao do bi ngo  Mobile  4 món cháo trị cảm thay kháng sinh
Cháo táo đỏ, bí ngô trị ho hen, chống dị ứng (Hình minh họa)


Cháo cà chua với sữa
Nghe có vẻ lạ tai, nhưng mách nhỏ các mẹ rằng cháo cà chua là một món ăn tuyệt vời có thể giúp bé không bị cảm cúm nữa. Trong cà chua, hàm lượng acid rất cao giúp bé xua tan cảm giác đau rát cổ họng, thêm sữa sẽ làm món ăn có mùi vị hấp dẫn cũng như bổ sung dưỡng chất cho bé. Hay đơn giản hơn hãy làm thành một loại sinh tố giữa hai loại thực phẩm cà chua và sữa. Bé sẽ uống ngon lành.
Bên cạnh 4 món cháo trên, các mẹ cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm sau để giúp bé mau khỏi bệnh:
Các nhóm thực phẩm có thể phòng và chữa cảm
Thực phẩm có tính kiềm
Môi trường kiềm tính của cơ thể không có lợi cho sự sinh sôi của mầm bệnh, nếu có thể duy trì được môi trường kiềm tính thì độc tố cũng không thể đọng lại trong cơ thể, cho nên cần ăn nhiều thực phẩm kiềm tính. Thay đổi môi trường trong cơ thể chính là phương pháp tốt nhất để nâng cao khả năng miễn dịch.
Các thực phẩm tính kiềm: Táo, nho, cà chua, cà rốt, hải sản….
Thực phẩm có chứa vitamin A
Vitamin A làm ổn định tế bào da trên cơ thể, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Khi thiếu vitamin A, khả năng chống tế bào gây bệnh cũng giảm thấp, dễ lây nhiễm đường hô hấp.
Ăn nhiều các thực phẩm: sữa, trứng gà, cà rốt, rau, dầu cá…
Thực phẩm có chứa vitamin C
Vitamin C có tác dụng chống cảm nhiễm và rèn luyện khí lực. Vitamin C có tác dụng kháng thể, nâng cao khả năng miễn dịch, đẩy chất độc hại ra khỏi tế bào bạch cầu, khôi phục tế bào bị phá vỡ. Khi cảm cúm hay sốt, nồng độ vitamin C của tế bào bạch cầu có thể giảm thấp, cho nên cần chú ý bổ sung các thực phẩm chứa vitamin C.
Ăn nhiều các thực phẩm: Dâu tây, lê, cam quýt, ớt xanh, rau cần tây…
Thực phẩm có chứa kẽm
Kẽm có thể khống chế sự sinh sôi của mầm bệnh gây cảm lạnh, đồng thời tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Một vài lưu ý khi chăm sóc trẻ bị nhiễm cúm
-  Bạn nên giữ ấm cho bé, nhất là những bộ phận dễ bị nhiễm lạnh trên cơ thể bé như cổ họng, chân, tay…
-  Đặt bé nằm trong phòng thoáng khí, tránh gió lùa trực tiếp.
-  Bạn nên thay quần áo ngay sau khi bé bị sốt cao, đổ mồ hôi nhiều. Đồng thời bạn nên lau cơ thể bé bằng nước ấm để hạ sốt hàng ngày: dùng nước đun sôi để nguội pha ấm và lau toàn bộ cơ thể bé, bạn nên chú ý đến vùng cổ, hai bên nách và vùng da bẹn của bé. Bạn tuyệt đối không được dùng nước đá chườm cho bé vì nhiệt độ thấp sẽ khiến các mạch máu của bé bị co lại.
-  Nếu không vệ sinh, bé có thể bị nhiễm trùng da, rôm sảy, ngứa ngáy, khó chịu và khiến tình trạng cảm cúm càng nghiêm trọng hơn.
-  Bạn không nên ủ ấm quá cho bé: việc ủ ấm chỉ khiến cho thân nhiệt bé bị tăng cao, gây nên tình trạng sốt cao co giật ở bé.

1353377761 be om 4411 4 món cháo trị cảm thay kháng sinhBạn không nên ủ ấm quá cho bé (Hình minh họa)



-  Bạn có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt nhưng phải theo chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ.
-  Bạn nên tăng cường các cữ bú trong ngày hoặc cho bé dùng thêm nước đun sôi để nguội để bù vào lượng nước đã mất. Bạn cũng nên ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng chất lượng sữa cho bé.
-  Với bé ở độ tuổi ăn dặm, bạn có thể cho bé dùng nước hoa quả, nước cháo, nước canh… Cho bé ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày với những loại thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa. Các loại rau, củ, quả chứa nhiều vitamin C giúp bé tăng cường sức đề kháng và mau khỏi cúm.
-  Nếu bé bị chảy nước mũi, bạn nên dùng khăn xô (hoặc khăn vải mềm) lau cho bé. Nếu bé bị tắc mũi, bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mũi (loại dành riêng cho bé) để nhỏ và làm thông mũi bé.
-  Nếu bé bị ho, bạn cho bé uống các loại thuốc ho dạng siro nhưng phải tham khảo ý kiến bác sĩ. Việc bạn tự ý mua thuốc trị ho có thể làm tăng thêm tình trạng đau họng ở bé.
Lan Anh (Tổng hợp)

                                                                              ( haquyetfamily s.t)

Đọc thêm tại mục
Món ngon cho bé



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét